[Review] Trịnh Lữ Ghi chép
Nửa đêm tôi tỉnh dậy, chắc là do say trà, 2 rưỡi sáng.
Từ khi 3 mẹ con Tép về quê tôi thường ngủ một mạch, ít khi tỉnh dậy giữa đêm. Phải kiếm cái gì đó để đọc vì không ngủ lại được, chẳng biết làm gì khác. Có vài cuốn hiện ra trong đầu, hay là đọc tiếp Van Gogh, cũng muốn đọc lại Steve Jobs nhưng tủ sách ở phòng khách, mà trời đêm Hà Nội mấy hôm nay lạnh quá khiến tôi lười chẳng muốn ra ngoài. Tôi chợt nhớ ra bác Trịnh Lữ, lại nhớ những chia sẻ của bác trong podcast hôm mùng 4 Tết với Vietcettera, khi 2 vợ chồng ngồi xem từ đầu đến cuối (dù tập này tôi thấy 2 bạn host đuối hẳn khi phỏng vấn bác) và tấm tắc khen hay. Chúng tôi đều thấy bóng dáng thầy Vũ Hồ trong những chia sẻ của bác. Hay thật, có phải những người giỏi tiếng Anh, đều đi Mỹ, đều có tư duy tuyến tính giống nhau như vậy? Có lẽ không, nhưng 2 người này rất giống nhau.
Tôi đã đọc Rừng Na Uy từ thời sinh viên nhưng không hề để ý đến dịch giả. Cho tới gần đây, khi anh Hoàng CEO bên tôi gửi cho xem lời tựa cuốn "Vẽ gì cũng là tự họa" mới ra của bác, tôi mới tò mò và tìm hiểu ra thì mới biết bác là dịch giả nhiều cuốn nổi tiếng khác, còn là họa sĩ, nhà thơ.... Tôi ấn tượng với cách viết lời tựa rất lịch lãm nhưng cũng có gì đó rất lãng mạn, văn chương. Rồi tìm đọc một số bài viết về bác, cũng không nhiều lắm. Tôi lên Youtube tìm kiếm và thấy có một số video rất ít ỏi phỏng vấn bác, trong đó có một video từ năm 2015 làm rất chỉn chu, tôi chia sẻ lại ở đây. Càng xem, càng nghe tôi càng ấn tượng với phong thái điềm đạm, hòa nhã, gióng nói trầm, chắc chắn và lôi cuốn dù bác đã ngoài 70 tuổi. Tôi cứ đọc, cứ nghe cũng phải vài tuần, bất cứ thứ gì tìm thấy được về bác trên internet, và cũng follow Facebook của bác (thế mới dẫn tới chuyện mua cuốn Van Gogh vì đọc review hay quá). Rồi tới hôm mùng 4 Tết, Vietcettera phỏng vấn bác, tôi nghe như uống từng từ, tâm đắc quá. Một người trẻ như tôi, chưa tới 30 tuổi, nhưng lúc nào cũng trăn trở về cái gì đúng trong đời, cũng vẫn có những mộng mơ, những lý tưởng, rồi những mâu thuẫn trong suy nghĩ mà tôi không biết những người độ tuổi này có như vậy hay không.
Rồi tôi tìm thấy mấy bài phỏng vấn bác Trịnh Lữ cho cuốn "Trịnh Lữ ghi chép", hay quá, đúng thứ mình cần trong lúc này, tỉnh giấc, trời lạnh không muốn ra lấy sách, nằm trong chăn và định tìm một bản pdf để đọc ngay. Nhưng không có! Thế là cái máu mua sách lại sôi lên (trong khi đã dặn mình phải đọc hết mấy cuốn dở dang đã rồi hãy mua), lên Tiki mua ngay 3 cuốn (2 cuốn còn lại là "Cây cam ngọt của tôi" và "Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất", đọc rồi nhưng vẫn muốn đọc lại).
Chiều hôm qua sách về, tôi mừng quá mở ra xem, không quên chụp lời tựa gửi cho anh Hoàng đọc, thật đúng là người nho nhã viết cái lời tựa thôi mà cũng khiến người đọc muốn mở ngay ra, đọc ngay cho đỡ thèm. Dù là những ghi chép tản mạn của bác, nhưng tôi rất thích vì đó là những câu chuyện, những suy nghĩ hết sức cá nhân và tự nhiên, của một người mà tôi rất muốn hiểu xem ông ta nghĩ gì về những vấn đề cụ thể, dù nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tối qua tôi về nhà, thắp hương ngày rằm, tranh thủ ngồi chờ hương tàn mở ngay ra đọc. Những câu chuyện nhỏ về bố, mẹ, những người bạn, họ hàng, những người bán nước trên con đường quê, người thợ làm đường... khiến tôi thật xúc động. Lâu lắm rồi, mà tôi cũng không biết kiếm đâu ra những mẩu chuyện vặt thú vị và xúc động đến thế. Tôi rất thích cả những ghi chép của bác từ năm 1976, có khá nhiều bài trong năm này, khi bác mới bước qua độ tuổi 30, cũng rất nhiều trăn trở. Và tôi cảm giác là để có một Trịnh Lữ điềm đạm, hiểu mình và an yên như ngày hôm nay (ít nhất là qua những gì tôi được nghe và xem về bác), có thể đã có rất nhiều suy ngẫm, những đấu tranh nội tâm trong suốt thời trẻ để rồi quan sát, ngẫm nghĩ và tự trả lời cho mình những câu hỏi khó về cuộc đời. Tôi một lần nữa được mở mang ra, bỗng thấy trân trọng những dòng suy nghĩ dù mâu thuẫn của mình. Tôi sẽ tiếp tục viết, như bác nói, viết ra giúp ta có cảm giác là những suy nghĩ của mình có thật. Tôi mong rằng mấy chục năm tới, tôi sẽ trả lời được hết những câu hỏi riêng của mình, để rồi nhìn lại sẽ thấy mọi thứ thật an yên.
Comments
Post a Comment