Inside out 2 - những mảnh ghép cảm xúc
Háo hức - khó hiểu - nhàm chán - tò mò - thấu hiểu - xúc động - vỡ òa - nhẹ nhõm là những cảm xúc của mình trong hơn 90 phút xem phim.
Tối qua hai vợ chồng mình cùng đi xem phim này với Thương và anh Linh. Kế hoạch ban đầu là chờ Tép và Pi lên Hà Nội rồi cho cả 2 đứa đi cùng. Nhưng mọi người bảo phim này tiết tấu nhanh trẻ con sẽ khó hiểu, và cũng sắp có Minion nên thôi, để 2 đứa lên Hà Nội rồi dẫn đi xem Minion, còn hội người lớn đi xem Inside Out 2 luôn.
Mình chưa xem phần 1, không biết tới phim này. Nhưng đợt này thấy nhiều người nhắc tới và nhiều bài review trên LinkedIn (đúng, là LINKEDIN đấy) nên mình tò mò muốn xem.
Dưới đây là thứ tự cảm xúc của mình trong hơn 90 phút xem phim.
Háo hức vì nhiều người review như đã nói ở trên, và lý do nữa là gần đây sức khỏe tinh thần của mình đang không tốt. Mình rất háo hức tìm được một cái gì đó để giải tỏa cái nỗi bí bách này (tháng trước xem phim mùa hè của Luca đã giúp mình vui hơn rất nhiều)
Khó hiểu vì vừa vào là một đống hỗn độn những nhân vật hoạt hình, từ người tới vật. Mình không hiểu là cái gì và phải mất một lúc mới nhận ra là những “con loăng quăng” này đang ở trong đầu của cô bé Riley. Nếu xem trước phần 1 hoặc đọc qua một chút về nhân vật trước khi xem thì sẽ hiểu được dễ dàng.
Nhàm chán là cảm xúc tiếp theo, sau khi đã hiểu các nhân vật. Mình nghĩ ôi thế là xong, lại mô típ cũ về những cảm xúc đấu tranh trong đầu mình. Concept này mình thấy nhiều rồi và những cuộc hội thoại phần này khiến mình buồn ngủ.
Tò mò khi thấy những cú twist, những viên bi sự kiện, những dây cảm xúc, rồi tới lúc cô bé đến tuổi dậy thì và có những cảm xúc mới xuất hiện. Mình bắt đầu thấy tò mò và chờ đợi xem có gì hay ho.
Xúc động khi bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó, những thứ cảm xúc hỗn độn đấu tranh trong đầu mình. Khi cô bé Riley tiếp xúc với người bạn mới, phải chứng tỏ bản thân để được ghi nhận, được thuộc về một nhóm, được lựa chọn vào đội bóng. Những đấu tranh của cảm xúc để quyết định xem cô bé có cần thay đổi bản thân để trở nên “tốt hơn” hay không. Rồi khi những cảm xúc cũ như vui, buồn, tức giận… bị nhốt vào trong cái hộp. Một cách mô phỏng quá chính xác những cảm xúc bị gói gém, kìm nén lại khi chúng ta lớn lên. Lúc này mình mới thấy thực sự lôi cuốn vì thấy bản thân mình trong đó. Nhất là thời gian qua khi mình phải suy nghĩ rất nhiều về định hướng công việc, nhận được những lời khuyên, thậm chí có cả những lời nhận xét tiêu cực và khó chịu về những giá trị mà mình theo đuổi, cũng có người nghĩ mình bảo thủ không chịu thay đổi và thấy mình không hòa nhập. Dù vẫn luôn tôn trọng và biết ơn sự quan tâm của tất cả mọi người, nhưng mình thực sự thấy mệt mỏi (thậm chí có lúc mình đã thấy như bị tấn công) khi phải làm những thứ bản thân không hề thích thú, dù có thể nó sẽ giúp mình tốt hơn.
Vỡ òa ở đoạn cuối, mình thực sự đã ôm mặt khóc như một đứa trẻ con khi thấy những “con loăng quăng” cảm xúc cùng nhau cứu vớt cô bé, chúng cùng nắm tay nhau, bao dung với nhau và nhận ra rằng điều quan trọng nhất là để cô bé được sống với những cảm xúc của mình, với những phiên bản của chính mình. Dù là vui, buồn, giận, xấu hổ, mệt mỏi… Dù cô bé có lúc nghĩ mình là người tốt, có lúc tin tưởng, có lúc yếu đuối, có lúc thất vọng, có lúc thấy mình chưa đủ tốt… thì cũng không sao. Quan trọng nhất là cô bé ấy được sống trọn vẹn những cảm xúc, trân trọng và nhận ra nó thay vì né tránh và cố gắng lựa chọn phiên bản “tốt nhất” để hài lòng người khác. Trong một khoảnh khắc, mình tự thấy có lỗi với bản thân mình vì đã bỏ quên, nén lại rất nhiều những cảm xúc tuyệt vời trong thời gian qua. Có những lúc mình phải cố tỏ ra thông minh, sợ bị đánh giá, tìm kiếm cảm giác thuộc về. Nguy hiểm nhất là có những lúc mình nghĩ mình không tốt, mình cần phải đánh đổi những giá trị hay lý tưởng của bản thân để trở thành một phiên bản khác tốt hơn hoặc có lợi hơn.
Nhẹ nhõm khi bước ra khỏi rạp chiếu phim. Có nhiều thứ cảm xúc hỗn độn bên trong mình đã phần nào được giải tỏa. Bọn mình lượn một góc hồ Tây trong buổi đêm Hà Nội rất mát mẻ, rồi về nhà nói chuyện với nhau về những cảm xúc vừa qua. Là chính mình vẫn là một cảm giác tuyệt vời hơn tất thảy, dù cho sẽ có những đánh giá, những thiệt thòi. Nhưng mình không quan tâm!
Mình viết lại để nhắc nhở bản thân hãy trân trọng mọi cảm xúc của mình, mọi phiên bản của mình. Chấp nhận mình có lúc yếu đuối, có lúc lo sợ, có lúc hèn nhát, có những sai lầm…và hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Comments
Post a Comment