#8 Made by hand: comtemporary makers, traditional practices

Khi mà của cải vật chất ngày càng dư thừa, máy móc có thể tạo ra hàng triệu sản phẩm y hệt nhau trong một khoảng thời gian rất ngắn, chi phí thấp và kiểu dáng đa dạng, thì hàng thủ công vẫn có chỗ đứng riêng, và mình nghĩ rằng nó sẽ ngày càng phát triển. 

Đây là cuốn sách khá thú vị giới thiệu về những người thợ thủ công ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Từ những sản phẩm thủ công quen thuộc như dệt vải, đóng giày, chế tạo đàn violin, làm giấy, thổi thủy tinh, cho tới những sản phẩm khá lạ và hiện đại như uốn đèn neon theo nhu cầu, loa và các thiết bị điện tử, nơ gỗ, làm xe đạp, v.v

ảnh sách

Mình thích những câu chuyện nhỏ về những người thợ, có người tiếp nối truyền thống của gia đình, có người thì đang làm một nghề nào đó rồi bỏ dở và đi học nghề thủ công, rồi trở thành đam mê. 
Mình cũng thích làm những thứ thủ công. Bàn cờ vua bằng gỗ với những quân cờ tự khắc (được 5 quân rồi), cứ mỗi khi ngồi đẽo mấy quân cờ đó, mình thấy cực kỳ tập trung và cuốn vào đó cả vài tiếng không đứng lên là chuyện mình thường. Cái cảm giác chìm đắm đó có được khi bạn dùng đôi tay của mình, chạm vào những mảnh gỗ, đẽo từng chút từng chút một và dần dần nhìn quân cờ thành hình. Rồi mình sẽ mân mê, ngồi ngắm những quân cờ đấy mà không biết chán. Đó thực sự là cảm giác của một thứ hoàn toàn đặc biệt, chỉ chỉ có duy nhất (mà người ta hay gọi là độc bản), do bạn (hoặc một người nào đó) chăm chút để tạo ra. 
Nhưng rõ ràng có làm mới thấy được nghề thủ công không dễ kiếm tiền, phải thật sự kiên trì và tâm huyết thì mới có thể duy trì được. Vì một sản phẩm làm ra tốn nhiều thời gian và công sức, không chỉ quá trình làm, mà còn là cả một quá trình chuẩn bị, tìm kiếm nguyên vật liệu. Đấy là còn chưa kể tới việc tìm kiếm đầu ra như thế nào. Trong một xã hội quá vội vàng và coi trọng vật chất như bây giờ, những người thợ thủ công giữ nghề, đam mê với nghề thật là đáng quý. 

trang sách
Trang sách mà mình rất thích
Cuốn sách này có nhiều hình ảnh đẹp, cho mình cảm hứng để làm những thứ thủ công. Các câu chuyện tương đối ngắn, chủ yếu giới thiệu ngắn gọn về người thợ và sản phẩm của họ. Tác giả cũng không đi sâu vào một ngành nghề cụ thể. Vậy, nếu bạn tìm kiếm những câu chuyện truyền cảm hứng về nghề thủ công thì đây chưa phải lựa chọn phù hợp. 
Một điểm mà mình thấy còn thiếu là những nghề thủ công ở châu Á được đề cập tới chưa nhiều, trong khi có rất nhiều thứ đặc sắc ở châu Á, ví dụ như làm giấy ở Trung Quốc, đóng giày hay làm dao, kiếm ở Nhật Bản. Hay là nghề dệt vài ở Việt Nam.
Mình liệt kê lại một số website của những người thợ mà mình thích trong cuốn sách này, biết đâu một ngày có cơ hội du lịch tới nước đó, lại có thể tham quan cửa hàng của họ.
  • Donhou Cycles: anh này ở Anh, chuyên dựng những chiếc xe đạp theo yêu cầu của khách hàng (hình chiếc xe ở trên). Mỗi chiếc xe mất khoảng 2 tuần để hoàn thiện.
  • St Joris Cycle: cũng làm xe đạp, theo hướng cổ điển, ở Hà Lan. 
  •  Andreas Hudelmayer: chuyên làm đàn violin, đến từ London, UK. Đam mê âm nhạc và niềm yêu thích làm đồ gỗ đã kết hợp lại tạo thành công việc mơ ước là chế tạo những chiếc đàn violin chất lượng cho nhiều nhạc công nổi tiếng. 
  • Bomo Art: cửa hiệu rất nghệ ở Budapest Hungary, được thành lập năm 1997. Nếu có cơ hội tới Budapest, nhất định mình sẽ ghé thăm cửa hàng này.  

Trong lúc tìm một cửa hàng trong cuốn sách này, mình lại vô tình tìm được một website rất hay, bán rất nhiều đồ hay ho, cửa hàng này ở Đài Loan thì phải toolstoliveby.


Comments