#9 The Anxious Generation (Thế hệ lo âu)
![]() |
Cuốn sách này viết về genZ, nhưng viết cho tất cả mọi người. |
Rối loạn lo âu là gì?
Tại sao GenZ lại là đối tượng dễ bị rối loạn lo âu?
"Cha mẹ bao bọc quá mức con cái trong thế giới thực, nhưng lại thiếu sát sao với chúng trên thế giới ảo"
Đó là nguyên nhân lớn khiến cho những đứa trẻ sinh ra trong khoảng thời gian 1995 - 2000 trở thành thế hệ lo âu.
Đầu tiên, cần hiểu định nghĩa của tác giả về thế giới thực (real world) và thế giới ảo (virtual world), mình tổng hợp lại trong hình dưới đây.
![]() |
Thế giới thực và thế giới ảo |
Có hai hệ thống trong não của chúng ta đã tiến hóa hàng triệu năm, đó là:
- Chế độ khám phá (discover mode): khi ở chế độ khám phá, chúng ta có nhiều cảm xúc tích cực và sự phấn khích.
- Chế độ phòng thủ (defend mode): khi ở chế độ phòng thủ, cơ thể chúng ta tràn ngập hormone căng thẳng, và cơ thể ta bị chiếm đóng bởi việc xác định mối đe dọa và thoát khỏi chúng.
Free-play childhood và phone-based childhood: tuổi thơ tự do và tuổi thơ bên điện thoại.
- Được tự lựa chọn thứ mình thích chơi, được thực hiện ngoài trời với các độ tuổi khác nhau, ít sự giám sát từ người lớn.
- Được tự đưa ra quy tắc, định hướng cho trò chơi của mình, không bị chỉ đạo bởi cha mẹ hoặc người lớn. Khi người lớn tham gia, trẻ đôi khi ít tự do hơn, ít vui chơi hơn và có thể là ít có lợi hơn.
Trẻ sẽ học được nhiều những ký năng xã hội trong những trò chơi tự do, ví dụ như học cách thay phiên, đám phán, giải quyết xung đột. Điều này khiến mình bất ngờ, vì trước giờ mình luôn cố gắng dành thời gian để hướng dẫn con và nghĩ răng chơi với con thì phải có hướng dẫn, đưa ra luật chơi, nghĩ thật nhiều hoạt động càng tốt. Nhưng hóa ra điều đó không cần thiết, mà đôi khi còn bất lợi khi khiến cho trẻ cảm thấy thiếu tự do và học được ít hơn. Khi nghĩ lại thì mình thấy rất đúng. Một ví dụ đơn giản là khi hai bé nhà mình tự lắp Lego, không cần theo hướng dẫn, hai đứa rất hăng say và tạo ra nhiều hình rất thú vị. Tất nhiên, việc lắp theo hướng dẫn sẽ giúp rèn luyện sự kiên trì, hiểu luật và những kỹ năng cần thiết khác. Nhưng việc được chơi tự do, sáng tạo theo cách riêng của mình cũng rất quan trọng. Do vậy, nên có sự cân bằng, thoải mái khi chơi với con, không cần quá áp lực phải nghĩ ra hoạt động và tối ưu thời gian bên con.
Và một trong những yếu tố quan trọng trong free-play mà tác giả nhắc tới, đó là trẻ có cơ hội được ngã, bị đau ở mức độ chấp nhận được. Khi đó, trẻ sẽ học được cách bảo vệ bản thân và người khác. Nhưng ngày nay, bố mẹ quá bao bọc con cái, các khu vui chơi cũng chú trọng quá mức tới tính an toàn và có rất ít cơ hội cho trẻ được trải nghiệm một cách tự do nhất.
Trong khi đó, có rất nhiều cha mẹ, ông bà sẵn sàng đưa điện thoại cho con để đổi lấy thời gian cho riêng mình. Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cả nhà ra quán cafe và mỗi người một chiếc điện thoại. Bố mẹ rất lo lắng mỗi khi con ngã, bị đau, nhưng lại rất vô tư để con tiếp xúc với internet thoải mái, xem những chương trình có thể không phù hợp với độ tuổi. Và cứ như vậy, thế giới thực dần bị thu hẹp lại, thế giới ảo mở ra và những đứa trẻ mắc kẹt trong đó. Chế độ khám phá dần tắt đi, mở ra chế độ phòng thủ. Và rồi thế hệ lo âu vẫn tiếp diễn, không còn riêng genZ nữa, mà tất cả những thế hệ tiếp theo của chúng ta có thể cũng khó lòng thoát ra được (nếu ta không hành động).
Là cha mẹ, chúng ta có thể làm gì?
Theo tác giả, để hạn chế tác động tiêu cực từ điện thoại và mạng xã hội, chúng ta có thể làm ngay được những điều sau đây:
- Không cho trẻ dùng điện thoại trước khi vào cấp 3
- Không cho trẻ dùng mạng xã hội trước 16 tuổi
- Xây dựng trường học không điện thoại
- Tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ chơi tự do và không giám sát
Tất nhiên, những điều này là vô cùng khó. Nó đòi hỏi sự kết hợp giữa Nhà trường, Gia đình, và quan trọng nhất theo mình là Chính sách.
Điều số 1, 2 và 4 mình nghĩ rằng cha mẹ có thể làm được. Hiện tại với gia đình mình, hai đứa nhỏ (6 tuổi và 4 tuổi) đều không được dùng điện thoại, chỉ xem tivi 1 - 2 lần mỗi tuần cùng bố mẹ. Tuy nhiên, điều mình trăn trở nhất là: chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chỉ có một số rất ít người áp dụng? Con mình sẽ hòa nhập thế nào nếu như đi học cấp 1, cấp 2 bạn nào cũng dùng điện thoại, bạn nào cũng có tài khoản mạng xã hội? Chính vì vậy, mình vẫn nghĩ rằng Chính sách sẽ là yếu tố đóng vai trò quyết định, giúp chúng ta bảo vệ thế hệ tương lai của mình.
Tuy vậy, nếu không hành động thì mình nghĩ rằng quá muộn. Thay vì việc cấm đoán, mình nghĩ rằng sẽ tạo cơ hội để con được chơi tự do nhiều hơn, cùng con tiếp xúc với công nghệ và có những giải thích, hướng dẫn cho con trên môi trường ảo. Và mình mong rằng sẽ có nhiều cha mẹ đọc được những dòng này, và bắt đầu hành động, và có thể chia sẻ thêm cho nhiều người khác nữa, để chúng ta tạo ra môi trường lành mạnh, nơi các con hiểu về mặt tốt và mặt xấu của Công nghệ, của mạng xã hội và biết cách sử dụng phù hợp.
Và còn một việc nữa mình nghĩ rằng bố mẹ nên bắt đầu làm, đó là hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính khi ở bên con. Thật khó khi mình muốn con hạn chế dùng điện thoại, hoặc cấm con dùng điện thoại nhưng lúc nào mình cũng cầm điện thoại trên tay. Mình chọn dành thời gian chơi cùng con, nhưng không giám sát (quá mức ^ ^), xem tivi cùng con, cố gắng tạo ra môi trường phát triển tự nhiên nhất. Một đoạn trong cuốn sách mà mình rất thích đó là, thay vì cố gắng uốn nắn những cái cây, hãy tạo ra khu vườn, rồi những hạt giống sẽ tự mọc theo cách của nó. Việc của người làm vườn là vun xới, tạo ra dinh dưỡng, còn việc phát triển thế nào là của mỗi cái cây. Nghe hay, nhưng mà cũng khó nhỉ? Mình sẽ chọn cách cân bằng, có một chút uốn nắn, nhưng sẽ cố gắng để cho cây phát triển tự nhiên nhất theo cách riêng của chúng.
Viết đến đây là quá dài rồi. Mình không nghĩ đã 3 tiếng trôi qua từ khi mình mở máy tính ra. Mình cũng không có ý định chép lại những ý chính của cuốn sách. Như mọi lần, mình khuyến khích các bạn hãy tìm đọc để có thêm góc nhìn. Đây là cuốn sách rất hay, với cá nhân mình. Các tác giả viết rất dễ hiểu, đơn giản. Có sự kết hợp giữa dữ liệu, nghiên cứu và những câu chuyện, ví dụ thực tế, sẽ khiến bạn không cảm thấy quá hàn lâm, cũng không cảm thấy quá cá nhân theo kiểu kể chuyện. Chỉ có một lưu ý là nhưng dữ liệu này chủ yếu đến từ Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng với quan sát của mình, có rất nhiều điểm tương tự đang diễn ra ở Việt Nam. Mình không nghĩ rằng cần từ bỏ mạng xã hội và điện thoại. Mình vẫn thấy giá trị kết nối, truyền tải thông tin và những tiện lợi đi kèm. Nhưng cần tìm cách sử dụng lành mạnh và hiệu quả, đúng như chức năng ban đầu của nó.
Cuối cùng, mình sẽ kết lại bài viết dài dòng này bằng một tiêu đề rất hay trong cuốn sách. Đại loại là mạng xã hội cho chúng ta cơ hội để đánh giá, chỉ trính rất nhanh, vì mọi thứ thật dễ dàng trên mạng. Chỉ một comment, một nút like, nút phẫn nộ, một dòng chia sẻ... đủ để chúng ta góp gió thành bão, đủ để làm một ai đó nổi tiếng qua đêm, hoặc khiến cho một ai đó mất hết hình ảnh, trở nên đau khổ và túng quẫn. Và tất cả những thứ đó được thực hiện ngay trên chiếc điện thoại có kết nối internet ở một nơi nào đó trên Thế giới, bởi một người nào đó dễ dàng tạo ra tài khoản online rồi xóa đi khi không cần nữa. Chúng ta quá dễ dàng để tức giận, nhưng lại quá khó để cảm thông và tha thứ. Vậy nên:
Be slow to anger, quick to forgive.
(viết có gì không hay thông cảm cho mình nhé hehe, forgive forgive)
Comments
Post a Comment