[Review] No Rules Rules: Netflix and the Culture of Reinvention

 


Đây là món quà sinh nhật gần nhất của mình. Một cuốn sách đã giúp mình mở mang rất nhiều kiến thức về Nhân sự, Văn hóa doanh nghiệp, Leadership... Có thể nói rằng đây là một nguồn tư tưởng rất mới lạ trong Quản trị nhân sự. Mình đọc hết 270 trang sách trong 1 tuần, không nhanh nhưng trong khi vẫn phải làm việc và tranh thủ đọc những lúc rảnh rỗi, thì với mình đây không phải là một tốc độ quá tệ.

Netflix trở thành một hiện tượng về văn hóa doanh nghiệp khi Netflix Culture được Reed Hastings, CEO của Netflix đăng trên Slideshare vào tháng 8 năm 2009 [1]. Cho tới hôm nay, (21/5/2021), đã có trên 20 triệu lượt xem, trở thành một trong những bài viết được xem nhiều nhất trên nền tảng này.  

Cuốn sách được xuất bản năm 2020 với sự kết hợp của Reed và Erin Meyer, người mà chính Reed đã gửi email đề nghị hợp tác, một chuyên gia về văn hóa doanh nghiệp, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "The Culture Map". 

Netflix được thành lập năm 1997, cung cấp dịch vụ cho thuê DVD qua emails [2]. Đã từng mong muốn được Blockbuster, một Người khổng lồ trong mảng cho thuê DVD ở Mỹ mua lại với giá 50 triệu $ và bị từ chối. Đến năm 2010, Blockbuster ngừng hoạt động, còn Netflix làm ăn như diều với doanh thu hơn 25 tỷ $ năm 2020, nằm trong top 5 những công ty phát triển nhanh nhất Thế giới của tạp chí Fortune 2 năm liên tiếp (2019, 2020) [3]

Cuốn sách như một câu chuyện tiếp nối bằng góc nhìn của Reed và Meyer. Họ đã rất khéo léo trong việc kết hợp giữa người của Netflix (Reed) và người bên ngoài Netflix (Meyer) để tạo ra tính khách quan cho người đọc (thay vì chỉ để Reed kể về công ty của mình). 

Văn hóa mà Netflix theo đuổi gói gọn trong 2 chữ Freedom và Responsibility (Tự do và Trách nhiệm) (F&R), được xây dựng thông qua các bước chi tiết mà tác giả gọi là các "dots" (điểm kết nối). Mười chương của cuốn sách tương đương với 10 dots, chúng ta sẽ cùng khám phá và kết nối các điểm đó lại với nhau để hiểu được cách mà Netflix xây dựng văn hóa F&R. Nhưng trong bải review này, mình sẽ chia làm 3 mục lớn, cũng là 3 yếu tố quan trọng nhất để Netflix xây dựng văn hóa F&R:

1. Tuyển người tài (talent) và tạo ra môi trường có hàm lượng chất xám cao (talent density)

Quan điểm của Netflix là tuyển một người giỏi và trả cho họ mức lương A, còn hơn tuyển 3 người bình thường và trả họ mức lương A/3. Có những người làm việc kém hiệu quả trong nhóm sẽ giảm hiệu quả của những người giỏi. Với rất nhiều nơi, "công ty là nhà" được coi như một khẩu hiệu, văn hóa để gắn kết nhân viên. Netflix không nghĩ thế. Ở Netflix, công ty như là một đội bóng, mỗi thành viên là một cầu thủ. Và họ tuyển những cầu thủ giỏi vào để chơi cùng nhau, khi bạn được chơi với những người xuất sắc nhất, thứ gắn kết bạn chính là việc thi đấu và giành chiến thắng. Thuật ngữ Talent Density (tạm dịch là hàm lượng chất xám cao) được nhắc lại rất nhiều lần trong cuốn sách. Để có được hàm lượng chất xám cao, họ bắt đầu bằng việc trả lương cực kỳ cạnh tranh, luôn ở mức cao nhất trên thị trường để tuyển được những cá nhân xuất sắc nhất. Họ cũng sẵn sàng tăng lương hàng năm rất cao (có người lên tới 40%) để giữ được mức cạnh tranh đó. Để biết được "giá thị trường" thay đổi ra sao, Quản lý trực tiếp sẽ là người tìm hiểu hoặc chính nhân viên đó sẽ tìm hiểu và trao đổi lại. Nhân viên tìm hiểu mức lương hiện tại trên thị trường bằng cách trao đổi với các nhà tuyển dụng, thâm chí đến phỏng vấn ở công ty khác, Netflix khuyến khích điều đó.

Họ duy trì hàm lượng chất xám cao bằng cách sử dụng "Keeper test", các Quản lý sẽ đặt ra câu hỏi: "Khi một nhân viên nói rằng cô ấy đang tìm kiếm một công việc tương tự ở Công ty khác, liệu người Quản lý có hành động quyết liệt để giữ cô ấy lại?" Nếu câu trả lời là không, thì nhân viên đó sẽ ra đi với một khoản trợ cấp nghỉ việc rất hào phóng. Cách này giúp họ đảm bảo đội ngũ luôn có những người xuất sắc và duy trì phong độ đỉnh cao (mặc dù cũng sẽ có những điểm hạn chế, chưa kể đến ở nhiều nước việc sa thải một nhân viên không chỉ đơn giản là nói với họ ngày cuối cùng bạn làm việc ở công ty và trả cho họ một số tiền hậu hĩnh). Nhưng những người xuất sắc thì đương nhiên cần nhiều hơn thế, để luôn duy trì hàm lượng chất xám cao, Netflix còn có những thứ mà họ là người đầu tiên áp dụng, nằm trong 2 mục dưới đây:

2. Candor - sự thẳng thắn

Những người xuất sắc sẽ trở nên xuất sắc hơn không chỉ vì họ được làm việc cùng nhau, mà còn được nhận những góp ý rất có ý nghĩa và thẳng thắn từ mọi người xung quanh. Ở Netflix, việc cho và nhận góp ý xảy ra mọi lúc, mọi nơi, mọi cấp bậc. Bạn có thể góp ý trực tiếp cho CEO rằng "anh vừa nói quá nhiều trong cuộc họp, khiến những người đưa ra ý tưởng đáng ra phải được nói để chia sẻ quan điểm thì lại ngồi yên, anh nên lắng nghe họ nhiều hơn", dù bạn là nhân viên ở bất kỳ cấp bậc nào. Đó chính là cách để mọi người học hỏi và phát triển từ chính những người mà họ làm việc cùng. Tất nhiên, để làm được điều đó không phải dễ dàng. Netflix xây dựng văn hóa góp ý thẳng thắn mà họ gọi là "corrective feedback", bắt đầu từ những lãnh đạo cấp cao như Reed, và đào tạo cho nhân viên cách cho và nhận góp ý hiệu quả, thông qua 4 chữ A (Aim to assist, Actionable, Appreciate, Accept or discard). Để duy trì và nâng cao văn hóa góp ý, Netflix còn tổ chức định kỳ hàng năm những khảo sát 360 độ, những circle of feedback (vòng tròn phản hồi) hàng năm. Mọi người sẽ sẵn sàng nhận lỗi, chấp nhận những điều chưa tốt và chia sẻ điểm yếu hoặc thất bại của mình với người khác, và thay đổi để tốt hơn.

Sự thẳng thắn còn được xây dựng bởi một yếu tố quan trọng khác - sự minh bạch và công khai (transparent). Reed quyết định rằng Netflix cần phải "open the book", cho nhân viên thấy được niềm tin của công ty với họ bằng việc chia sẻ cho họ những thông tin về tình hình kinh doanh, đầu tư, báo cáo tài chính... Và luôn thông báo cho nhân viên biết trước những quyết định có thể ảnh hưởng tới họ dù cho đó là những tin xấu. Bằng cách đó, Netflix có được sự tin tưởng từ nhân viên, họ hiểu rằng mình đang đóng góp cho một tổ chức tin tưởng mình, và phát triển cùng với nó. 

3. No controls (không kiểm soát)

Reed nhận thấy rằng với những người xuất sắc, trong một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo rất cao như Netflix, càng nhiều chính sách, phê duyệt, kiểm soát... càng khiến cho tổ chức chậm lại. Chính vì vậy, Netflix đã bỏ đi rất nhiều thứ mà môi trường làm việc truyền thống đang làm:

- Không có chính sách du lịch, nghỉ lễ, nghỉ phép... ai thích nghỉ lúc nào thì nghỉ, bao lâu tùy ý, không cần xin phép ai hết, miễn sao đừng làm ảnh hưởng tới công việc của nhóm và công việc của bản thân. Quản lý phải làm gương cho nhân viên bằng cách.... đi nghỉ dưỡng. ^^

- Không cần phê duyệt công tác phí và các loại chi phí cá nhân. Nhân viên được phép tự quyết việc mua vé máy bay hạng thương gia hay phổ thông, mua quà tặng hoặc chi phí tiếp khách... Cũng không cần sự phê duyệt của Quản lý hay phòng Tài chính, mà chỉ cần mang hóa đơn về và thanh toán. 

- Không cần quy trình phê duyệt khi đưa ra quyết định. Bạn được tự quyết cho những ý tưởng, nội dung mà bạn chịu trách nhiệm. Chỉ cần bạn có đủ sự nghiên cứu và chuẩn bị chu đáo, cứ làm và xem chuyện gì xảy ra. Nếu thành công, ăn mừng thật lớn, nếu thất bại, chia sẻ với mọi người và học hỏi từ đó. Cách này giúp loại bỏ thời gian và sự quan liêu trong việc phải xin các cấp phê duyệt, khiến việc đưa ra quyết định bị chậm hoặc bị loại bỏ bởi những người không làm trực tiếp và chưa chắc đã hiểu vấn đề.

Chính việc bỏ đi những chính sách, những quy trình cồng kềnh giúp Netflix trao quyền nhiều hơn cho nhân viên, khiến họ có trách nhiệm, sự tự chủ và luôn hướng đến điều tốt nhất cho công ty. 

3 yếu tố trên tạo ra 1 vòng tròn thú vị xây dựng lên văn hóa F&R của Netflix, như sau:

Càng có nhiều talent và hàm lượng chất xám cao (talent density) thì lại càng có nhiều góp ý thẳng thắn, chất lượng (candor). Công ty lại càng có niềm tin để bỏ bớt những rào cản (no controls). 

Càng giảm bớt rào cản (no controls) thì lại càng thu hút được talent, đồng thời cho mọi người niềm tin và sự chủ động để có những góp ý thẳng thắn và chất lượng (candor) hơn. 

Càng thúc đẩy được văn hóa thẳng thắn (candor), góp ý chất lượng thì càng nâng cao được năng lực của talent, cũng giúp thu hút talent, đồng thời có thêm niềm tin để bỏ bớt những rào cản (no controls). 

Cứ như vậy, 3 yếu tố này bổ sung cho nhau, thúc đẩy nhau và xây dựng lên văn hóa F&R của Netflix, như mình mô tả đơn giản trong hình sau:


"Dot" thứ 10 - chương cuối cùng của cuốn sách nói về kinh nghiệm của Netflix khi mở rộng thị trường ra nước ngoài, có mặt trên 190 quốc gia [4] và tuyển dụng ở nhiều nước. Thách thức lớn nhất cho sự mở rộng của Netflix chính là rào cản về văn hóa. Nếu chỉ ở Mỹ, Đức hay Hà Lan, việc xây dựng văn hóa góp ý thẳng thắn là điều rất đơn giản, thì với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore... lại là rào cản rất lớn. Để giải quyết điều đó, cần phải có những chiến lược thích nghi phù hợp, Netflix đã làm được, và làm rất tốt. 

Trong một bài review ngắn, có rất nhiều điểm chắc chắn khiến các bạn tò mò, khó hiểu tại sao Netflix lại làm được như vậy, hoặc tại sao phải làm như vậy. Đó là lý do bạn nên đọc sách sau khi xem review này của mình. Cá nhân mình thấy đây là cuốn sách rất hay, mở mang rất nhiều cho mình về cách xây dựng văn hóa ở một công ty đòi hỏi sự thích nghi cao với sự thay đổi, luôn cải tiến và sáng tạo. Tất nhiên nó sẽ có thể không phù hợp với những công ty đặc thù cần tuân thủ quy trình, ví dụ như môi trường Quân đội, các công ty sản xuất... và nhất là với những nền văn hóa như Việt Nam. Nhưng dù sao cũng sẽ giúp mình học hỏi được những điểm thú vị để áp dụng (có thể cần chỉnh sửa cho phù hợp) vào công việc. 
Cảm ơn các bạn đã đọc hết đến tận dòng này.
Thành.

P/S: bài viết có thể gây khó chịu ở một số chỗ mình dùng tiếng Anh chêm vào, nhưng đó là việc của bạn. ^^ (thông cảm mình thích thế).

Nguồn tham khảo:

[1] https://www.slideshare.net/reed2001/culture-1798664

[2] https://about.netflix.com/en

[3] https://fortune.com/100-fastest-growing-companies/2020/


Comments

Read more

[Review] Dặm đường tôi đi - Võ Quang Huệ

Power Automate - Flow gửi thư mời tự động sau khi học viên đăng ký qua Microsoft Form

Đi bơi

Buổi Training Online đầu tiên của mình dành cho các bạn sinh viên

My bookmarks 2023

Không khí lạnh tràn về

MIT Open Access

Inside out 2 - những mảnh ghép cảm xúc

My 2023 summany

My Bookmarks 2024