Learning and Development (L&D) là gì?
1. Training
Từ thuở sơ khai, con người đã biết học hỏi thông qua việc truyền dạy kinh nghiệm từ người đi trước. Dù không được gọi tên, nhưng đó chính là một hình thức đào tạo.
Sau này, chúng ta gọi những hoạt động đó là On - the - job training (đào tạo từ công việc), đây là những hoạt động đào tạo cổ xưa nhất và hiện tại vẫn đang là hình thức đào tạo phổ biến nhất. Những hình thức đào tạo khác dần được hình thành cùng với sự phát triển của nhân loại.
Cho tới cuộc cách mạng công nghiệp, hình thức đào tạo nghề bắt đầu xuất hiện với một trong những trường nghề đầu tiên trên Thế giới được mở tại New York (Masonic Grand Lodge) năm 1809. Năm 1872, Hoe and Company lần đầu tiên thành lập "Factory School" (tạm dịch - trường học trong nhà máy), và thuật ngữ "classroom training" (phòng đào tạo) trở nên phổ biến. Các phòng đào tạo giúp cung cấp kiến thức và kỹ năng cho công nhân với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của sản xuất (khi mà đào tạo on-the-job không đáp ứng được về mặt số lượng và tốc độ).
Kể từ đó, Training trở thành một phần quan trọng của doanh nghiệp và phòng Đào tạo (Training Department) trở thành một phần trong cơ cấu tổ chức, thường nằm trong hoặc đồng hành cùng khối Nhân sự (Human Resource Team). Công việc chính của phòng Đào tạo là tổ chức các chương trình đào tạo để cung cấp kỹ năng, kiến thức cần thiết giúp nhân lực đáp ứng đủ năng lực so với yêu cầu của tổ chức. Chúng ta thường thấy đào tạo là cách tiếp cận một chiều: phòng Đào tạo lên kế hoạch xây dựng chương trình; được lãnh đạo phê duyệt và tổ chức lớp; mời nhân viên đến học, sau đó đánh giá hiệu quả chương trình. Ngay cả khi phòng Đào tạo lấy nhu cầu của nhân viên trước khi xây dựng kế hoạch, thì bản chất của từ Đào tạo như đã nói ở trên, vẫn là một quá trình một chiều, người nào đó có kỹ năng tốt hơn, nhiều kinh nghiệm hơn dạy lại cho người mới.
2. Learning and Development (L&D)
Learning and development (L&D) là một phòng ban thường trực thuộc khối Nhân sự trong các công ty, có vai trò xây dựng và phát triển các chiến lược, hoạt động học tập giúp nâng cao năng lực của đội ngũ, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi, phát triển theo chiến lược chung của doanh nghiệp.
Tại sao bây giờ nhiều doanh nghiệp lại có phòng L&D thay vì phòng Đào tạo (Training)? Sự khác biệt cơ bản giữa L&D và Training là gì?
Đào tạo thực tế vẫn quan trọng, nhưng nó không còn là yếu tố quan trọng nhất trong phát triển nhân viên. Vì sao?
Từ năm 2016, thuật ngữ "cuộc cách mạng 4.0" được sử dụng trong Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Trong cuộc cách mạng này, sự thay đổi chóng mặt về công nghệ sẽ khiến cho mọi thứ không dễ gì dự đoán trước. Nếu trước đây, những kỹ năng chuyên môn có thể kỳ vọng được sử dụng hàng chục năm. Cha mẹ, trường học biết rằng con cái, học sinh của họ cần học kiến thức, kỹ năng gì để phục vụ cho công việc chúng sẽ làm sau khi ra trường, và công việc trọn đời là điều mà đa phần mọi người hướng tới. Thì bây giờ, điều duy nhất không thay đổi đó chính là sự thay đổi. Chúng ta rất khó dự đoán trước những công việc nào sẽ xuất hiện, kỹ năng nào sẽ cần tới. Theo dự báo của WEF, tới năm 2025, khoảng 85 triệu công việc sẽ biến mất. Báo cáo của Mckinsey cũng chỉ ra rằng, khoảng 800 triệu công việc sẽ biến mất và bị thay thế bằng tự động hóa vào năm 2030. Với sự thay đổi chóng mặt đó, Training đơn giản là không theo kịp. Thật khó để tìm giảng viên để đào tạo cho nhân viên một kỹ năng mà chính giảng viên đó cũng chưa từng nghe tên, hoặc chỉ mới tiếp xúc với nó vài ngày. Và khi kỹ năng đó được giảng viên tôi luyện một cách thuần thục, sẵn sàng để đào tạo lại, thì có thể nó lại trở nên lỗi thời. Đây chính là lúc doanh nghiệp cần một cách tiếp cận khác. Họ cần xây dựng một văn hóa khuyến khích nhân viên chủ động tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới, thích nghi với sự thay đổi, một môi trường cho phép nhân viên dám tự do chia sẻ kiến thức, hiểu biết của cá nhân, không có rào cản trong việc tiếp cận bất kỳ nguồn kiến thức nào. Doanh nghiệp cần phải tạo cho nhân viên niềm yêu thích học hỏi, tò mò với mọi thứ và luôn được cung cấp đầy đủ phương tiện, công cụ cho việc học và áp dụng vào công việc. Đó là khi chúng ta cần tới Learning and Development (L&D). Khác biệt cơ bản giữa L&D và Training đó là:
- Sự chủ động đến từ nhân viên (người học) thay vì hoàn toàn đến từ tổ chức và trainer (người dạy). Lúc này vai trò của L&D là xây dựng môi trường, văn hóa học tập giúp nhân viên luôn hào hứng trong việc tìm hiểu và tích lũy kiến thức.
- Kiến thức có thể đến từ nhiều nguồn (internet, sách vở, kinh nghiệm từ người đi trước, các lớp học...) thay vì chỉ đến từ các buổi đào tạo truyền thống.
- Training chỉ là một công cụ của L&D (bên cạnh nhiều công cụ khác như mentoring, coaching...)
Mặc dù trên Thế giới, xu hướng chuyển dịch từ Training sang L&D đã xuất hiện từ sớm, nhưng ở Việt Nam, khoảng 3 năm trở lại đây chúng ta mới thấy rõ rệt hơn, khi các công ty bắt đầu đổi tên phòng Đào tạo thành phòng L&D, các công việc như L&D specialist, L&D executive, L&D manager... đã xuất hiện ngày càng nhiều trên LinkedIn, Vietnamwork. Thậm chí ở Samsung Display Vietnam, là một công ty nước ngoài và có phong trào học tập, đào tạo rất mạnh, cho tới năm 2019 trước khi mình nghỉ vẫn giữ tên là phòng Đào tạo.
Nhiều công ty dù gọi tên là phòng L&D nhưng hoạt động chính vẫn chỉ là đào tạo (giống như bình mới rượu cũ). Để L&D làm đúng vai trò của nó, doanh nghiệp cần thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của việc học hỏi, văn hóa học hỏi và xây dựng môi trường thúc đẩy nhân viên học hỏi không ngừng, thay vì chỉ cho phòng Đào tạo một cái tên mới nhưng cách vận hành vẫn theo hướng top-down, vẫn coi đào tạo chỉ là một benefit để giữ nhân viên, hoặc tổ chức các lớp học nhàm chán để chụp ảnh truyền thông.
Thuật ngữ "life long learning" (học hỏi trọn đời) xuất hiện ngày càng nhiều, nhấn mạnh vai trò của việc học hỏi liên tục đối với sự thành công của cá nhân và tổ chức. Học hỏi lúc nào cũng quan trọng, nhưng chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này, khi mà công nghệ thay đổi chóng mặt, dịch bệnh đến không theo bất kỳ một kịch bản nảo khiến con người càng phải linh hoạt để thích nghi. Trong báo cáo "Future of jobs 2020" của WEF, kỹ năng "học hỏi chủ động và chiến lược học hỏi" đứng thứ 2 trong top 10 kỹ năng quan trọng nhất tới năm 2025.
2. ASTD Handbook: The Definitive Reference for Training and Development (2014)
Oh, bài viết đã giúp mình hiểu đc khái quát và cơ bản phân biệt đc training vs L&D. Sau đây cũng phải thúc bản thân tìm tòi học hỏi thêm cho công việc thôi ^^
ReplyDelete