No say or say NO
Tuần này mình đọc được một bài viết trên Viva insights (một ứng dụng tích hợp trong Microsoft) với tiêu đề: When (and How) to say "No" to opportunities. Bài viết này có trên Havard Business Review (Viva insights chỉ tổng hợp lại), bạn có thể đọc đầy đủ tại link này.
Tóm tắt ngắn gọn: chúng ta thường có xu hướng "say Yes" khi những cơ hội tới, có thể là cơ hội kiếm tiền, giúp đỡ một người nào đó, được học thêm kiến thức mới, được đi du lịch, được thuyết trình trước các em sinh viên... Vì một lý do đơn giản: "Say Yes" đỡ tốn công sức hơn "say NO". Khi từ chối một cơ hội, chúng ta phải mất thời gian và công sức để đắn đo, phân tích, tính toán thiệt hơn; liệu có làm cho người kia khó chịu; liệu sau này họ có đem tới cơ hội cho mình nữa hay không; liệu còn có cơ hội nào thế này nữa hay không; vv. Rồi tới khi bắt tay vào làm, chúng ta mới phát hiện ra cơ hội đó không hay ho như mình tưởng, hoặc là tốn quá nhiều thời gian để làm, hoặc là không mang lại nhiều giá trị, và đôi khi là cả hai. Vì thế, cần phải học cách "say No".
Bài viết đó mô tả chính xác vấn đề của mình. Mình có xu hướng thích làm hài lòng người khác, nên đương nhiên "say No" là điều rất khó khăn. Khi đứng trước một lời nhờ vả (có thể chưa hẳn là cơ hội rõ ràng), mình sẽ nghĩ đây là một cơ hội để giúp đỡ mọi người, biết thêm người mới, học thêm gì đó mới... đại khái là sẽ nghĩ ngay tới những điều tích cực, những viễn cảnh màu hồng. Khi nhận lời, mình chưa nghĩ nhiều tới việc tốn bao nhiêu thời gian, công sức, thứ mình sẽ nhận được là gì, có ảnh hưởng tới công việc hay cuộc sống của mình hay không. Thậm chí, mình còn hay đưa ra một thời hạn (deadline) rất gần (có lẽ do sự hưng phấn và tự tin khi làm người khác vui lòng). Và rồi, tới khi bắt tay vào làm, có những thứ khiến mình tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng cả vào thời gian dành cho gia đình và bản thân. Nhưng mình lại đề cao tính commit (đã nói là phải làm), thành ra cứ cố làm cho xong trong trạng thái gấp gáp, nhiều khi mất đi hứng thú và cũng có trường hợp không thấy việc đó có nhiều giá trị. Đương nhiên không thể trách người mang tới cơ hội, vì họ nghĩ tới mình là một điều rất đáng quý, và họ cũng đâu có biết rằng mình gặp phải những vấn đề đó, vì mình "no say".
Mình cũng tự hỏi là "oh, cơ hội đâu phải lúc nào cũng đến, làm gì cũng sẽ giúp cho mình học thêm được thứ gì đó mới, tại sao lại phải "say No", cố gắng thêm tí là làm được hết ấy mà". Cũng đúng, nhưng chỉ đúng khi mình có thời gian để làm và thử mọi thứ. Mình nghĩ sẽ rất phù hợp trước khi có gia đình, đặc biệt là khi bạn còn là sinh viên, mới ra trường, (hoặc) đang mông lung chưa biết mình muốn gì, thì nên đón nhận cơ hội và làm càng nhiều càng tốt. Còn bây giờ, khi mình đã có gia đình, có công việc và biết rõ mình muốn gì, thì cần thiết phải có sự chọn lọc và ưu tiên. Dưới đây là một số điều mình suy nghĩ, kết hợp với những gợi ý trong bài viết When (and How) to say no to oppotunities, sẽ áp dụng mỗi khi có cơ hội đến:
- Không nhận lời ngay, bình tĩnh cân nhắc thời gian/ công sức và giá trị mà cơ hội đó mang lại có đáng để làm hay không. (không nhất thiết giá trị ở đây phải là tiền bạc hay vật chất nhé, ví dụ bạn mình mời chia sẻ một kỹ năng với sinh viên, tuy không nhận được tiền thù lao nhưng lại giúp được các bạn ấy một cách rõ ràng và khiến mình vui thì cũng là giá trị).
- Để deadline (thời hạn) dư giả một chút. Mình rất hay tự tin và hưng phấn khi nghĩ về cơ hội mới, nên sẽ đưa ra deadline vội vàng lắm. Bây giờ nếu trong đầu nghĩ 2 tuần, mình sẽ cộng thêm 1 tuần nữa cho chắc. (4 tuần thì cộng thêm 2 tuần, 6 tuần thì thêm 3, 8 tuần thêm 4, 10 tuần thêm...)
- Gợi ý một phương án khác cho người mang tới cơ hội cho mình. Nếu bạn giống mình, luôn muốn hài lòng mọi người. Hơn nữa mình biết ơn người mang cơ hội cho mình, muốn giúp đỡ họ, thì mình sẽ gợi ý một phương án khác hoặc một người khác có thể giúp họ (ví dụ: em không nhận được việc này nhưng trong network của em có bạn A em nghĩ rất phù hợp, sẽ connect với chị). Còn nếu không có phương án khác thì cũng cứ thoải mái "say No" và giải thích lý do. Thà rằng mình nói ngay từ đầu, còn hơn làm trong khó chịu và cuối cùng kết quả không tốt thì cả hai đều khó chịu.
- Tôn trọng thời gian và công sức của bản thân. Thời gian của chúng ta có hạn, tuổi trẻ cũng có hạn. Còn khỏe mạnh để viết những dòng này là đáng giá lắm. Nên không đánh đổi thời gian, công sức để làm những điều không thực sự mang lại giá trị (cho cả mình và người khác), không vui vẻ.
Nói vậy không phải "say No" là lười biếng, không chịu đón nhận cơ hội hay không giúp đỡ ai. Mà điều mình nhấn mạnh với bản thân ở đây là phải lựa chọn cơ hội một cách thông minh hơn, có sự ưu tiên và đảm bảo rằng mình không chỉ vì muốn làm hài lòng người khác mà đồng ý với những điều mình không muốn, không tạo ra giá trị đủ để dành thời gian và công sức, và quan trọng nhất là khiến bản thân mình không vui vẻ, thoải mái để làm sau khi đã nhận lời. Từ hôm nay, mình sẽ nghiêm túc học cách "say No".
Comments
Post a Comment